12 Cung Hoàng Đạo

Bởi

Từ lâu cụm từ “12 cung hoàng đạo” hay “12 chòm sao” đã trở nên quen thuộc với phần lớn chúng ta. Tuy nhiên có lẽ nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về nguồn gốc thực sự của khái niệm này. Vậy 12 cung Hoàng đạo là gì? Bắt nguồn từ đâu? Có thể mang lại cho chúng ta những thông tin gì? Có thực sự chính xác hay không?… thì trong bài viết này, bằng tất cả những hiểu biết đã có, chúng mình sẽ giúp bạn hiểu rõ và sâu về chủ đề này. Hãy cùng chúng mình khám phá nhé!

12 Cung Hoàng đạo là một khu vực của bầu trời rộng khoảng 16° của Hoàng đạo. Các đường đi của Mặt Trăng và các hành tinh có thể nhìn thấy cũng nằm trong vành đai của cung Hoàng đạo.

Cung hoàng đạo được chia thành 12 cung hay 12 dấu hiệu, mỗi cung chiếm 30° của kinh độ thiên cầu và khoảng tương ứng với các chòm sao Bạch Dương, Kim Ngưu, Song Tử, Cự Giải, Sư Tử, Xử Nữ, Thiên Bình, Thiên Yết, Cung Thủ, Ma Kết, Bảo Bình và Song Ngư. Mình xin nhấn mạnh ở đây chỉ là sự “tương ứng” thôi nha. 12 cung Hoàng đạo hay còn gọi là 12 dấu hiệu Hoàng đạo vừa kể trên là do con người hình dung ra, quy ước như vậy, không phải là 12 chòm sao cố định thực tế xuất hiện trong không gian. Nó liên quan đến dấu hiệu của Mặt Trời và các mùa trong năm theo Dương lịch. Ví dụ: Cung Hoàng đạo bắt đầu với 0° Bạch Dương tại điểm xuân phân (điểm chính giữa của mùa xuân).

Hầu hết mọi người lần đầu tiên bắt gặp Chiêm tinh thông qua các cung Mặt Trời hay dấu hiệu Mặt Trời. Và rất nhiều người trong chúng ta có một sự nhầm lẫn “sương sương” giữa cung Mặt Trời và cung Hoàng đạo. Vậy dấu hiệu Mặt Trời hay cung Mặt Trời là gì?

Dấu hiệu hoàng đạo: Biết tất cả về dấu hiệu mặt trời của bạn

Nhận thức của bản thân hiểu mình và hiểu người sâu sắc hơn, khám phá những tiềm năng còn đang bị che giấu, mục tiêu, giới hạn, những điều chưa biết, năng khiếu, và thử thách.

Bạch Dương

(21 THÁNG 3 - 19 THÁNG 4)

kim Ngưu

(20 THÁNG 4 - 20 THÁNG 5)

Song Tử

(21 THÁNG 5 - 20 THÁNG 6)​

Cự Giải

(21 THÁNG 6 - 22 THÁNG 7)​​​

Sư Tử

(23 THÁNG 7 - 22 THÁNG 8)​

Xử Nữ

(23 THÁNG 8 - 22 THÁNG 9)​

Thiên Bình

(23 THÁNG 9 - 22 THÁNG 10)​​

Thiên Yết

(23 THÁNG 10 - 22 THÁNG 11)

Nhân Mã

(22 THÁNG 11 - 21 THÁNG 12)​

Ma Kết

(22 THÁNG 12 - 19 THÁNG 1)​​

Bảo Bình

20 THÁNG 1 - 18 THÁNG 2)

Song Ngư

(19 Tháng 2 - 20 Tháng 3)​

Sự tương thích giữa Mối quan hệ

Đây có lẽ là một vấn đề được rất nhiều bạn trẻ quan tâm khi tìm hiểu về 12 cung Hoàng đạo. Các bạn rất muốn biết mối quan hệ giữa hai bạn ra sao thông qua các cặp cung Hoàng đạo. Chủ đề liên quan về sự tương thích như trong tình bạn, công việc và đặc biệt là trong tình yêu – chủ đề được quan tâm nhất của giới trẻ.

Thực ra mỗi người sẽ có một Bản Đồ Sao cá nhân (các bạn sẽ tìm thấy thông tin chi tiết ở bên dưới phần Những câu hỏi thường gặp). Và để xét về mức độ hợp nhau của một cặp đôi về tính cách, cảm xúc, tình yêu, tình dục, v.v… những người nghiên cứu Chiêm tinh sẽ xem xét các yếu tố về hành tinh của hai người như: Mặt Trời, Mặt Trăng, cung Mọc, sao Kim, sao Hỏa, v.v… Những yếu tố này các bạn cần phải biết giờ sinh chính xác mới có thể xác định được.

Và trong phạm vi Blog Felo, tụi mình chỉ xét các cặp cung Hoàng đạo theo cung Mặt Trời thôi. Bởi nếu như phân tích các yếu tố khác nữa thì chúng ta sẽ chỉ tìm hiểu cho 1 cặp đôi cụ thể. Còn nếu như chỉ xét về cung Mặt Trời, sẽ mang tính bao quát và áp dụng được cho nhiều cặp đôi hơn.

Ví dụ như hai bạn cùng có Mặt Trời cung Ma Kết, cả hai sẽ đều có mục tiêu, tham vọng lớn cho sự nghiệp. Hai bạn hòa hợp, cộng hưởng tính cách với nhau đến độ người này có thể hiểu cá tính người kia như chính bản thân mình mà không cần đối phương phải nói bất kỳ điều gì. Ở một diễn biến khác, ví dụ như bạn có Mặt Trời Bạch Dương và đối phương có Mặt Trời Thiên Bình. Hai đứa có thể sẽ cực kỳ mâu thuẫn với nhau trong tính cách cũng như mục tiêu sống. Một đứa thì đơn giản, nóng nảy, độc đoán, dứt khoát. Đứa kia thì hòa nhã, lịch thiệp, cân nhắc. Nhìn sơ qua khó lòng sống chung với nhau lâu được.

Nhưng… đó chưa phải tất cả! Nếu như quá giống nhau, quá hiểu nhau có thể hai bạn sẽ không học hỏi được nhiều từ nhau, đôi khi sinh ra nhàm chán. Ngược lại, cái cặp như nước với lửa kia, tuy có thể suốt ngày cãi nhau đấy, nhưng họ lại có cơ hội học hỏi những đặc điểm đối nghịch của nhau, bổ sung cho nhau. Vì vậy, mối quan hệ giữa hai người như thế nào còn phụ thuộc vào sự chấp nhận lẫn nhau của cả hai và sự trải nghiệm, hòa hợp từng ngày, cần thời gian nữa, v.v…

Chỉ xét về tương thích giữa 2 cung Mặt Trời của các bạn là không thể đầy đủ, chi tiết nhất được. Tuy nhiên, việc xác định mối quan hệ về cung Mặt Trời cũng phần nào nói lên được mối tương quan trong đặc điểm, tính cách (cá tính), phong cách và mục tiêu sống của cả hai bạn. Từ đó có thể giúp hai bạn hiểu nhau hơn, ít nhất là về tính cách hay mục tiêu mà cả hai hướng tới. Hãy áp dụng sự tương thích mà các bạn tìm hiểu được như một tài liệu tham khảo và tự mình vẽ lên câu chuyện cho cả hai nhé!

Bốn Nguyên Tố (Đối Ngẫu Tam) Trong 12 Cung Hoàng Đạo

Lửa, Đất, Khí, Nước là các nguyên tố đại diện cho những yếu tố cơ bản trong cuộc sống, chúng biểu hiện cho những nét tính cách và phẩm chất cơ bản của con người. Hiểu được “bộ tứ quyền lực” này thì các bạn có thể biết được phần nào bản chất của một người, họ suy nghĩ và hành động ra sao, phản ứng như thế nào trước các rắc rối,… Tại đây, các bạn sẽ được thấy bốn nguyên tố ở muôn hình vạn trạng khác nhau, và mình chắc chắn một điều là các bạn chưa từng biết đến trước đây. Nào! Chào mừng các bạn đến với thế giới của Lửa, Đất, Khí và Nước…

Định nghĩa đối ngẫu tam: 12 cung trên vòng tròn Hoàng đạo được chia làm bốn nhóm nguyên tố, mỗi nhóm gồm ba cung. Mỗi nhóm ba này được gọi là đối ngẫu tam.

Bốn nhóm nguyên tố gồm: Lửa, Đất, Khí, Nước. Mỗi nguyên tố đại diện cho một đặc điểm của cung tương ứng trên vòng tròn Hoàng đạo.

ba phẩm chất (Đối ngẫu tứ) trong 12 cung hoàng đạo

Có bao giờ bạn tự hỏi, đối ngẫu tứ là gì? Vòng tròn Hoàng đạo gồm những phẩm chất nào chưa? Cung Hoàng đạo được chia làm 3 phẩm chất tiêu biểu nhé.

Khái niệm: 12 cung trên Hoàng đạo được chia làm 3 nhóm phẩm chất, mỗi nhóm gồm 4 cung. Mỗi nhóm bốn này được gọi là đối ngẫu tứ. Mỗi nhóm tiêu biểu cho một phẩm chất.

Ba phẩm chất này là: Tiên phong (cốt lõi, cốt yếu, khởi nguyên,thống lĩnh), Kiên định (ổn định, cố định), Linh hoạt (biến đổi, linh động).

Tiên Phong

(Bạch Dương - Cự Giải - Thiên Bình - Ma Kết)

Linh Hoạt

(Song Tử - xử nữ - nhân mã - song ngư)

hai mặt (Đối ngẫu nhị) trong 12 cung hoàng đạo

12 điểm trên Hoàng đạo được chia làm hai nhóm: nam và nữ (đến đây các bạn đừng hiểu nhầm là Nam và Nữ theo giới tính nhé, chỉ là chia như vậy cho dễ hình dung, dễ nhớ và dễ hiểu hơn thôi). Các nhà Chiêm tinh gọi đây là sự đối ngẫu nhị của các điểm Hoàng đạo.

Nhóm nam (tính dương) bao gồm: Bạch Dương, Song Tử, Sư Tử, Thiên Bình, Nhân Mã và Bảo Bình. Nhóm này đại diện cho sự trực tiếp, chủ động, hướng ngoại, có phần biểu hiện nam tính (mạnh mẽ) và tích cực.

Nhóm nữ (tính âm) gồm 6 cung còn lại: Kim Ngưu, Cự Giải, Xử Nữ, Thiên Yết, Ma Kết và Song Ngư. Nhóm này đại diện cho sự gián tiếp, bị động, hướng nội, biểu hiện nhẹ nhàng (nữ tính/hấp dẫn) và tiêu cực.

Tất nhiên, không phải một bạn nam cung Kim Ngưu thì thể hiện toàn nét nữ tính và ngược lại một bạn nữ cung Bạch Dương thì cư xử như một thằng đàn ông! Hiểu một cách hiện đại thì nhóm nam được xem là những người hướng ngoại hơn và mạnh mẽ trong các hành động của họ. Còn nhóm nữ không phải yếu ớt hơn mà là hướng nội và mạnh mẽ trong thế giới nội quan của bản thân.

Câu Hỏi Thường Gặp

“Chiêm tinh học là các hệ thống bói toán giả khoa học dựa trên các tiền đề của một mối quan hệ giữa các hiện tượng thiên văn và các sự kiện trong thế giới nhân loại.” – (Trích wiki). Cũng có thể hiểu Chiêm tinh đơn giản là nghiên cứu về ảnh hưởng của các thiên thể ngoài không gian/vũ trụ đối với con người.

Chiêm tinh thực ra không được công nhận là một môn khoa học (ít nhất là trong lãnh thổ Việt Nam). Đã từng có tranh luận gay gắt về vấn đề này. Tuy nhiên, điều đó không làm ảnh hưởng đến những ứng dụng hay giá trị mà Chiêm tinh mang lại. Mục đích cuối cùng của việc nghiên cứu một điều gì đó cũng chỉ để mang lại một giá trị tốt đẹp cho con người mà thôi. Miễn là nó có ý nghĩa và hữu dụng, nó vẫn sẽ tiếp tục tồn tại.

Đường màu đỏ lớn chính là Hoàng đạo (Ảnh: Wiki)

Hoàng đạo là đường đi biểu kiến (quy ước/tưởng tượng) của Mặt Trời (Sun) trên Thiên cầu (Thiên cầu là một hình cầu tưởng tượng đồng tâm với Trái Đất có bán kính rất lớn. Tất cả những thiên thể trên bầu trời quan sát được từ Trái Đất có thể được coi là nằm trên bề mặt của hình cầu này). Vậy hiểu đơn giản Hoàng đạo là 1 vòng đường đi của Mặt Trời quay quanh Trái Đất trong 1 năm để trở về đúng vị trí ban đầu.

Đợi đã, có gì sai sai ở đây! Chúng ta đều biết trên thực tế, Trái Đất và các hành tinh khác trong hệ Mặt Trời như sao Thủy (Mercury), sao Kim (Venus), sao Hỏa (Mars), v.v… quay quanh Mặt Trời. Điều này giống với thuyết Nhật tâm (Mặt Trời là trung tâm) do nhà thiên văn học Vương quốc Ba Lan: Cô-péc-ních hay Ga-li-lê, nhà thiên văn học, toán học, vật lý học, triết học người Ý đưa ra. Còn định nghĩa về Hoàng đạo bên trên sẽ giống với thuyết Địa tâm (Trái Đất là trung tâm) được sử dụng từ thời Hy Lạp cổ đại. Cũng không trách được người cổ đại, chúng ta sống trên Trái Đất, từ đây chúng ta sẽ thấy Mặt Trời dường như đang chuyển động xung quanh mình vậy.

Thế nên, không có gì đúng hoàn toàn hay sai hoàn toàn. Tất cả chỉ mang tính tương đối. Các nhà Chiêm tinh khi nghiên cứu đã quy ước như vậy và chúng ta vẫn sử dụng đến bây giờ, mình xin nhấn mạnh hai chữ “quy ước”. Cũng giống như trong Toán học quy ước: 1+1=2 chứ không phải bằng 3!. Việc dùng những quy ước đó để giúp được gì trong cuộc sống mới là điều quan trọng.

Lịch sử của việc hình thành 12 cung Hoàng đạo đã bắt đầu từ thời Babylon. Sự phân chia của Hoàng đạo thành các dấu hiệu Hoàng đạo bắt nguồn từ thiên văn học Babylon trong nửa đầu của thiên niên kỷ thứ 1 trước Công nguyên (TCN) (tức là khoảng 1000 năm từ năm 1000 đến năm 1 TCN, cách hiện tại của chúng ta khoảng 3000 năm trở về trước).

Khoảng cuối thế kỷ thứ 5 TCN, các nhà thiên văn học Babylon đã chia hoàng đạo thành 12 cung bằng nhau, tương tự như 12 tháng trong năm. Mỗi dấu hiệu chứa 30° kinh độ thiên thể. Theo tính toán của vật lý thiên văn hiện đại, cung Hoàng đạo được giới thiệu trong khoảng từ năm 409 đến 398 TCN hoặc trong những năm 401 TCN.

Cách chia này ngay từ ban đầu là hoàn toàn khác với vị trí thực tế của các chòm sao cố định mà ngày nay chúng ta biết đến nhờ thiên văn hiện đại. Thậm chí vào những năm 1970, Stephen Schmidt đã đề nghị 14 dấu hiệu Hoàng đạo bao gồm cả chòm sao Xà Phu (Ophiuchus) và chòm sao Kình Ngư (Cetus). Hay tại Nhật Bản vào năm 1995, Walter Berg và Mark Yazaki cũng đề xuất 13 dấu hiệu Hoàng đạo bao gồm 12 cung đã biết cộng thêm Xà Phu (về cung Xà Phu, mình sẽ giải thích kỹ hơn cho các bạn hiểu tại sao nó lại không được đưa vào hệ thống 12 cung Hoàng đạo ở phần Những câu hỏi thường gặp). Tuy nhiên, đến ngày hôm nay, vẫn chỉ có 12 cung Hoàng đạo như chúng ta vẫn thường sử dụng mà thôi!

Cung Mặt Trời là vị trí Mặt Trời đang nằm ở 1 trong 12 cung Hoàng đạo. Thời điểm chúng ta chào đời, Mặt Trời đang xuất hiện ở vị trí nào thì đó chính là cung Mặt Trời của chúng ta. Tính trung bình gần đúng, Mặt Trời sẽ đi qua mỗi cung hết khoảng 1 tháng. 1 năm 12 tháng, đi qua hết cả 12 cung. Chính vì cung Mặt Trời được xác định theo ngày sinh của chúng ta, nên chỉ cần biết ngày sinh chúng ta cũng có thể biết được cung Mặt Trời của mình rồi. Ví dụ, mình có cung Mặt Trời thuộc cung Bảo Bình mình sẽ gọi tắt là “mình có Mặt Trời Bảo Bình” hay tắt hơn nữa “mình cung Bảo Bình”. Cung Mặt Trời từ đó phổ biến nhất, thành ra mới có sự nhầm lẫn kể trên.

Ngoài cung Mặt Trời hay dấu hiệu Mặt Trời, chúng ta còn có dấu hiệu khác nữa như: cung Mặt Trăng (Moon Sign), cung Mọc (Ascendant – hay viết tắt là AC), Hỏa tinh ở Bạch Dương, v.v… Tuy nhiên, Mặt Trời vẫn là hành tinh vĩ đại nhất, nó giúp Trái Đất có sự sống, hơi ấm, năng lượng, v.v… để con người có thể tồn tại. Cho nên ảnh hưởng của Mặt Trời được coi là mạnh nhất. Blog Felo sẽ tập trung chủ yếu trình bày về 12 cung Hoàng đạo nhưng thiên nhiều về cung Mặt Trời.

Nếu như phương Đông chúng ta, có lá số tử vi với hệ thống 12 con giáp, thì ở phương Tây cũng có lá số hay Bản Đồ Sao (thứ mà mình sẽ nói kỹ hơn ở phần Những câu hỏi thường gặp bên dưới nhé!) với hệ thống 12 cung Hoàng đạo để nói về đặc điểm, cá tính, vận mệnh, v.v… trong cuộc đời của một con người (Vấn đề này mình sẽ nói kỹ hơn ở phần Những câu hỏi thường gặp bên dưới). Bản thân mình cũng không đặt nhiều niềm tin vào bói toán hay xem vận mệnh, tương lai. Tuy nhiên, trong Chiêm tinh nói chung và trong 12 cung Hoàng đạo nói riêng lại có một giá trí rất to lớn mà mình, các bạn và tất cả mọi người có thể học hỏi, áp dụng được đấy!

Cung Mặt Trời quyết định cá tính, phong cách và mục tiêu sống của mỗi chúng ta. Nó thể hiện niềm tin và con người mà bạn hướng đến. Chúng ta có thể hiểu phần nào đó bản chất, năng lực của bản thân hoặc của một ai đó. Ví dụ: Mình có Mặt Trời Bảo Bình, mình sẽ rất thích những thứ dị dị, độc lạ. Những ý tưởng khác lạ, chẳng giống ai thường hay xuất hiện trong đầu mình. Mình thích một công việc tự do hơn là một công việc ổn định, nhàm chán. Một người bạn của mình thuộc cung Bạch Dương (Mặt Trời Bạch Dương), mỗi khi nó nóng giận chửi mình thì mình sẽ im lặng và nói chuyện với nó vào một lúc khác. Khi mình biết rằng, một người cung Song Tử cẩu thả và hay quên, mình sẽ dễ dàng tha thứ cho họ nếu họ quên xả nước bồn cầu sau khi đi vệ sinh, v.v…

Cung Mặt Trời hay là 12 cung Hoàng đạo và cả Chiêm tinh giúp ta trước hết là hiểu thấu về bản thân mình. Phần nào ta có thể sáng suốt hơn trong việc xử lý tình huống, suy nghĩ tích cực, hành động tích cực hơn trong cuộc sống. Biết mình là ai, mình nên làm gì, không nên làm gì, cần phát huy điều gì, khắc phục điều gì. Để từ đó, chúng ta dần trưởng thành trong nhận thức, tâm lý và phát triển bản thân mình trở nên tốt đẹp hơn (thậm chí có thể giúp được mọi người xung quanh luôn ấy chứ)!

Nếu như bạn đã quan tâm đến 12 cung Hoàng đạo, bạn cũng nên biết về thuật ngữ Chiêm tinh và Bản đồ sao (Lá số cuộc đời). Chiêm tinh thì mình giải thích phần nào ở bên trên rồi nhé. Còn Bản đồ sao (Natal Chart) là gì?

Bản đồ sao (hay biểu đồ sinh/lá số sinh) là sơ đồ vị trí của các hành tinh hay các vì sao sử dụng trong Chiêm tinh nằm trong mặt phẳng hệ thống 12 cung Hoàng đạo tại thời điểm chúng ta “đón chào thế giới”. Và hiểu đơn giản là “những vì tinh tú” đã “ban tặng” cho chúng ta những nguồn năng lượng và ảnh hưởng đến tính cách, suy nghĩ và hành động. Bản đồ sao của một cá nhân được lập từ dữ liệu: Giờ sinh chính xác đến phút, ngày tháng năm sinh và địa điểm sinh. Nó rất nhiều yếu tố như: Mặt Trời, cung Mọc, Mặt Trăng, hệ thống cung nhà (House), các góc chiếu, điểm toán, v.v… Và trong phạm vi bài viết này, mình chỉ nói qua để các bạn hiểu sơ sơ thôi. Nếu bạn nào muốn hiểu chi tiết hơn, mình sẽ làm một bài viết riêng nhé!

Trong Chiêm tinh, người ta dùng Bản đồ sao hay Lá số để “nhìn thấu” hay hiểu hơn về một người thông qua rất rất nhiều các yếu tố mình vừa liệt kê ở trên (mà còn chưa hết đâu, nhiều lắm!). Việc các bạn thấy bản thân mình không giống với các đặc điểm của cung Hoàng đạo có thể là do hai nguyên nhân:

Thứ nhất, từ sự nhầm lẫn mà mình đã đề cập. Tức là các bạn nhầm tưởng mình chỉ thuộc một cung Hoàng đạo. Bạn sinh ngày 22 tháng 4 bạn có Mặt Trời thuộc cung Bạch Dương và bạn nhầm tưởng rằng mình thuộc cung Bạch Dương. Thế nên mới có người nói: “Thế giới chỉ có 12 loại người (vì chỉ có 12 cung Hoàng đạo và mỗi người chỉ thuộc 1 cung thôi)”. Đó là quan điểm sai lầm đấy! Mỗi chúng ta đều có gần như cả 12 đặc điểm, phẩm chất của cả 12 cung Hoàng đạo. Có điều mỗi người sẽ thể hiện ra như thế nào, kết hợp ra sao thì hoàn toàn khác nhau. Ngoài chịu ảnh hưởng từ Mặt Trời, chúng ta còn chịu ảnh hưởng từ các yếu tố hay các hành tinh khác nữa kia mà. Cho nên làm sao từ mỗi đặc điểm của 1 cung mà đúng hết về con người bạn được.

Thứ hai, Mặt Trời là hành tinh lớn nhất, ảnh hưởng nhiều nhất trong bản đồ sao hay tới chúng ta nhưng nó không thể nói lên hết tất cả về một con người được. Mặt Trời chỉ là “nét phác thảo – nét vẽ lớn”về tính cách (cá tính), phong cách và mục tiêu sống của “bức tranh của đời ta” mà thôi. Ngoài ra, Mặt Trời là hành tinh ảnh hưởng mạnh, bao quát và mang tính lâu dài, ví dụ như bạn đang trên con đường hướng tới một đích đến. Mặt Trời giống như “Đích đến” – thứ mà bạn hướng tới, hiện tại bạn đang đi nên chưa thấy ngay mà cần thời gian trau dồi, học hỏi và hoàn thiện bản thân.

Đích đến của mỗi người không giống nhau. Ngọt ngào hay cay đắng, nhanh hay chậm tùy thuộc vào nhận thức và hành động của mỗi chúng ta. Hiểu được về cung Mặt Trời phần nào giúp bạn biết được đặc điểm của bản thân, xác định được đích đến của riêng mình rồi. Khi đó, mình mong các bạn sẽ áp dụng một cách hiệu quả, đẩy mạnh ưu điểm, khắc phục khuyết điểm để tạo ra một phiên bản tốt nhất cho riêng mình. Đó chính là ý nghĩa tuyệt vời của 12 cung Hoàng đạo!

Sau một quá trình tìm hiểu và tổng hợp từ rất nhiều nguồn thông tin xác thực, đáng tin cậy, mình đúc kết một công thức xác định cuộc đời dễ hiểu nhất để trả lời câu hỏi hóc búa này. Công thức như sau:

A + X = B

Trong đó:

  • A là bản đồ sao trong hiện tại được quyết định bởi nghiệp quả trong tiền kiếp (quá khứ), sinh ra đã có sẵn. Đây là yếu tố được ví như: Hạt mầm của các khía cạnh trong mỗi con người hay có thể hiểu là Nhân hoặc khả năng bẩm sinh được gieo từ kiếp trước.
  • X là một biến để chỉ những ảnh hưởng của môi trường bên ngoài, nhận thức, ý thức, hành động, hành vi của chúng ta ở hiện tại. Ở đây có áp dụng là quy luật “Nhân – Quả” nói chung của cả vũ trụ. Đại khái là khi bản thân bạn nhận thức và hành động thế nào hay chịu một ảnh hưởng từ môi trường ra sao (là Nhân) thì sẽ tạo ra một kết quả thế đó (là Quả).
  • B là Con người mỗi chúng ta gồm rất nhiều khía cạnh như: Bản tính (tính cách), nhận thức, suy nghĩ, hành động hay cả cuộc đời của chúng ta, v.v… được quyết định từ A và X. Trong câu hỏi này, A của hai người có thể giống nhau nhưng X thì không. Và như đã phân tích ở trên chúng ta sẽ không tìm thấy được hai người có X giống hệt nhau được cho nên sẽ không có hai con người có đặc điểm, cá tính, nhận thức, suy nghĩ,… giống nhau hoàn toàn được.

Nói chung, không thể chỉ dựa vào Chiêm tinh mà kết luận được về một con người. Mỗi chúng ta có thể giống nhau về Bản đồ sao và cung Mặt Trời còn các yếu tố khác (cũng ảnh hưởng đến đặc điểm, cá tính của mỗi người) thì không ai giống nhau hoàn toàn cả. Nhất là nhận thức, hành động trong hiện tại của chúng ta, mỗi người đều khác nhau, không bao giờ giống nhau được. Hãy áp dụng bản đồ sao để hiểu hơn về bản thân, phát huy những ưu điểm và khắc phục những nhược điểm. Hãy là chính mình, nỗ lực trong hiện tại, suy nghĩ tích cực, lương thiện, làm nhiều việc tốt đẹp có ý nghĩa cho bản thân, đem lại giá trị cho cộng đồng, xã hội. Hãy hướng tới phiên bản tốt hơn chúng ta mỗi ngày, bởi chúng ta là DUY NHẤT!

Dựa theo Dương lịch (lịch Gregory).

Chắc hẳn, các bạn khi quan tâm, tìm hiểu về 12 cung Hoàng đạo đã từng bắt gặp các Bảng xếp hạng về 12 cung. Đại loại như: “Xếp hạng trí thông minh của 12 cung Hoàng đạo”, “12 cung Hoàng đạo, ai xinh đẹp nhất” hay “Xếp hạng chỉ số ngoan hiền của 12 cung Hoàng đạo”, v.v… Với những ai có kết quả tốt thì sẽ rất vui và tự hào, còn những ai có kết quả xấu thì chẳng thoải mái tẹo nào phải không? Cùng mình xét hai ví dụ để tìm câu trả lời nhé:

Ví dụ thứ nhất về bảng xếp hạng trí thông minh đi. Năm 1983, học thuyết “9 loại hình thông minh” do nhà tâm lý học Howard Gardner công bố đã chỉ ra rằng trí thông minh không phải chỉ đo lường bằng chỉ số IQ mà còn bởi rất nhiều khía cạnh khác. 9 loại trí thông minh gồm:

  • Trí thông minh logic – toán học
  • Trí thông minh vận động
  • Trí thông minh không gian, thị giác
  • Trí thông minh ngôn ngữ
  • Trí thông minh âm nhạc
  • Trí thông minh tương tác cá nhân
  • Trí thông minh tự nhiên (thiên nhiên)
  • Trí thông minh nội tâm (bản thân, cảm xúc)
  • Trí thông minh hiện sinh (các vấn đề của cuộc sống)

Mỗi người trong chúng ta đều tồn tại một vài loại thông minh này, tuy nhiên, tùy mỗi cá nhân khác nhau sẽ nổi trội những kiểu thông minh khác nhau. Cho nên có thể cung Song Ngư không giỏi trong phân tích logic – toán học nhưng họ lại rất có khả năng trong nghệ thuật (âm nhạc hay nội tâm). Bạch Dương có thể không giỏi trong ngôn ngữ (khả năng ăn nói, giao tiếp) như Song Tử, v.v… Vậy nên: “Ai cũng là thiên tài. Nếu bạn đánh giá một con cá qua khả năng leo cây của nó thì nó sẽ sống suốt đời với suy nghĩ mình thật đần độn” (Albert Einstein). Các bạn hiểu ý mình chứ?

Ví dụ thứ hai về vẻ đẹp đi, vấn đề này được quan tâm rất nhiều này. Ai cũng muốn mình xinh đẹp cả. Thế nhưng quan điểm về cái đẹp của mỗi người lại khác nhau các bạn à. Tất nhiên vẫn có những chuẩn mực nhất định, như các Hoa hậu thì không nói làm gì rồi. Còn đâu mình muốn nhấn mạnh ở đây là vẻ đẹp riêng ấy. Cánh đàn ông vẫn thường về nịnh vợ: “Trong mắt anh em đẹp nhất trần” còn gì. Hay là trong mắt anh chàng Chí Phèo thì Thị Nở là đẹp nhất trong mắt anh ấy cũng nên. “Cái đẹp không nằm ở đôi má hồng của người thiếu nữ, mà ở trong mắt của kẻ si tình”. Câu này có thể hiểu: việc một người xinh đẹp hay không là do quan niệm của người quan sát, với người này là đẹp nhưng với người kia thì không. Bởi vậy mới có chuyện, một người không đẹp trong mắt người khác nhưng lại như “hoa hậu” trong mắt người mình yêu.

 
 

Đấy! Mình mới chỉ phân tích qua hai ví dụ thôi là đã thấy các bảng xếp hạng về 12 cung Hoàng đạo là không có cơ sở và khá thiếu chính xác. Nếu như chúng ta chỉ xem để giải trí cho vui thì được chứ dùng tham khảo hay dùng như một thông tin thì không nên, mà tin vào đó nữa lại càng không. Mỗi cung Hoàng đạo đều có những nét đặc điểm rất riêng. Vì vậy mà chúng ta nên tự hào vì mình là chính mình, chứ không cần phải để ý quá nhiều chuyện so sánh mình với bất kỳ ai khác. Hoàn thiện bản thân để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình mới là điều tuyệt vời!

“Mỗi năm hoa đào nở…”, mình lại nghe được những tin tức đã cũ từ “các nhà phê bình Chiêm tinh học” rộ lên về Xà Phu (Ophiuchus) – cung Hoàng đạo thứ 13. Họ cho rằng các nhà Chiêm tinh cố tình không công nhận chòm sao này thuộc hệ thống 12 cung Hoàng đạo mặc dù Mặt Trời vẫn đi qua chòm sao này mỗi năm. Rằng mọi người đang bị lừa…

Thêm những dẫn chứng từ NASA – cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ: Như việc thay đổi vị trí, kích thước và hình dáng của 12 chòm sao, ứng với 12 cung Hoàng đạo so với 3000 năm trước đã thay đổi. Hiện tượng tiến động, trục Trái Đất thay đổi, điểm xuân phân bị lệch đi từ chòm sao Bạch Dương qua chòm sao Song Ngư. NASA còn nói rằng Mặt trời trên thực tế di chuyển qua 13 chòm sao chứ không phải chỉ 12. Tức là, sẽ có 13 cung hoàng đạo, và cung hoàng đạo mới thứ 13 tên là Ophiuchus nằm phía sau mặt trời từ ngày 30 tháng 11 – 18 tháng 12.

Còn quan điểm từ các Chiêm tinh gia là KHÔNG xem xét đến các chòm sao cố định (như NASA nghiên cứu và quan sát) như là các vì sao trong Chiêm tinh, mà chia vòng Hoàng đạo thành 12 cung TƯƠNG ỨNG với các chòm sao cố định.

12 Cung Hoàng đạo là một khu vực của bầu trời rộng khoảng 16° của Hoàng đạo. Các đường đi của Mặt Trăng và các hành tinh có thể nhìn thấy cũng nằm trong vành đai của cung Hoàng đạo.

Cung hoàng đạo được chia thành 12 cung hay 12 dấu hiệu, mỗi cung chiếm 30° của kinh độ thiên cầu và khoảng tương ứng với các chòm sao Bạch Dương, Kim Ngưu, Song Tử, Cự Giải, Sư Tử, Xử Nữ, Thiên Bình, Thiên Yết, Cung Thủ, Ma Kết, Bảo Bình và Song Ngư. Mình xin nhấn mạnh ở đây chỉ là sự “tương ứng” thôi nha. 12 cung Hoàng đạo hay còn gọi là 12 dấu hiệu Hoàng đạo vừa kể trên là do con người hình dung ra, quy ước như vậy, không phải là 12 chòm sao cố định thực tế xuất hiện trong không gian. Vì thế không thể đánh đồng 12 cung Hoàng đạo với các chòm sao thực tế được như trong Thiên văn học.

Vậy nên, cung 13 không có thật trong hệ thống 12 cung Hoàng đạo. Chúng ta chỉ có chòm sao cố định (thực tế) mang tên Xà Phu – Ophiuchus theo Thiên văn học mà thôi. Nó cũng như các vì sao khác trong không gian bao la và chẳng ảnh hưởng gì đến 12 cung Hoàng đạo cả!…

Kết Luận

Chúng ta đã tìm hiểu được rất nhiều các thông tin từ: Khái niệm, ý nghĩa về 12 cung Hoàng đạo và những vấn đề liên quan. Biết Chiêm tinh bản chất ra sao, cung Mặt Trời mà chúng ta vẫn hay lầm tưởng là cung Hoàng đạo. Rồi lịch sử hành thành, sự tương thích của các cung Hoàng đạo thế nào. Đồng thời, hiểu hơn về các cách chia 12 cung Hoàng đạo. Quan trọng là những lý giải về những câu hỏi mà các bạn vẫn hay thắc mắc, tìm kiếm một câu trả lời dễ hiểu nhất.

Mình hy vọng bài viết phần nào đáp ứng được những nhu cầu tìm hiểu về 12 cung Hoàng đạo cho các bạn một cách tổng hợp, đơn giản nhất. Và mình cũng rất rất mong chờ những phản hồi, góp ý từ phía các bạn độc giả thân yêu để giúp mình hoàn thiện nội dung hơn trong tương lai. Cúi đầu cảm ơn!

Bạn thấy bài viết này hữu ích không ?
Hãy bấm vào ngôi sao để đánh giá nó!
Click to rate this post!
[Total: 44 Average: 4.2]

Thông Tin Lê Minh Dương

Mình tên là Dương, 25 tuổi có xe đạp riêng. Ngoài việc không có chỗ đứng trong xã hội ra thì chỗ nào mình đứng cũng được. Rất mong các bạn đừng kì thị mình!

Ghé Thăm WebSite Của Tôi
Xem Tất Cả Post

3 bình luận về “12 Cung Hoàng Đạo”

Viết một bình luận