Ý Nghĩa và Lịch Sử của Dreamcatcher

Bởi

“ Những giấc mơ không thể lấp đầy cơn đói,
Nhưng đó là cách để khiến tâm tư ngày nào đó được đâm chồi
Và sẽ thật tệ nếu bỏ đi niềm mơ mà sống
Cặm cụi đi suốt đời rồi đổ ra biển ra sông…”

Những câu hát về giấc mơ của Đen Vâu cứ lặp đi lặp lại trong đầu mỗi khi tôi tự hỏi mình về những giấc mơ mình đã trải qua. Có những giấc mơ đẹp, nhưng cũng có những cơn ác mộng đáng sợ. Lời bài hát bất giác khiến tôi nhớ về một thứ đồ trang trí cổ của những thổ dân da đỏ – những chiếc lưới “bắt” giấc mơ Dreamcatcher.

Có lẽ nhiều bạn trẻ đã từng nghe đến cái tên này nhưng ít ai biết được những chiếc vòng đặc biệt này có nguồn gốc từ đâu, ý nghĩa ra sao đúng không nào! Vậy thì hôm nay hãy để tôi kể bạn nghe về một trong những truyền thuyết nổi tiếng nhất của những người da đỏ, câu chuyên về lưới bắt giấc mơ dreamcatcher.

1. Truyền thuyết về Dreamcatcher

Dù đã được lên sóng trong rất nhiều bộ phim, nhưng những chiếc vòng bắt giấc mơ này chỉ thực sự “làm mưa làm gió” trong giới trẻ kể từ sau khi bộ phim Hàn Quốc “The Heirs” – “Những người thừa kế” được công chiếu. Món quà lãng mạn mà nàng Lọ Lem Cha Eun Sang tặng cho hoàng tử Kim Tan như một lời chúc ngủ ngon cho anh mỗi khi đêm về đã khiến trái tim của biết bao cô gái châu Á thổn thức vì quá dễ thương và chân thành.

Từ đó, họ bắt đầu biết đến và săn lùng những chiếc Dreamcatcher như một món quà, một vật trang trí tinh xảo. Nhưng ít ai biết rằng, những chiếc lưới bắt giấc mơ này lại có “ quê nhà” tận… châu Mỹ xa xôi. Và “cha đẻ” của Dreamcatcher chính là bộ lạc người da đỏ Ojibwe, một trong những bộ lạc đầu tiên sinh sống tại châu Mỹ.

Dần dà sau này, khi các bộ lạc giao thương với nhau, khái niệm về Dreamcatcher đã lan theo sự trao đổi văn hóa mà đến với những bộ lạc lân cận khác, tiêu biểu là bộ lạc Lakota kế cận. Về sau, bộ lạc Lakota cũng đã tự phát triển nên lịch sử của chiếc lưới giữ giấc mơ này của riêng họ.

Truyền thuyết của bộ lạc Ojibwe

Từ thời xa xưa, con người gần như sống phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Bởi vậy, những hiện tượng bất thường khó lý giải đều là những nỗi lo sợ của họ. Những thổ dân của bộ lạc Ojibwe rất tôn thờ thần linh và rất sợ ma quỷ.

Chính vì thế, họ rất tôn sùng và coi trọng các thầy phù thủy – những người nắm giữ pháp thuật của bùa chú và có thể giao tiếp với thần linh. Họ tin rằng, những lá bùa có thể bảo vệ họ khỏi thế lực hắc ám của quỷ dữ, đồng thời mang lại sự bảo hộ của thần linh, mang lại những điều may mắn.

Trong tiếng Ojibwe, dreamcatcher được gọi là asabikeshiinh, có nghĩa là nhện. Nhiều nền văn hóa coi nhện là loài vật rùng rợn, thuộc về bóng tối thì người Ojibwe lại coi nhện là biểu tượng của sự che chở, bảo vệ và an ủi.

Người Ojibwe có một truyền thuyết cổ xưa về lưới giấc mơ. Thuở ấy, trẻ em mới sinh thường rất yếu ớt, dễ mắc nhiều bệnh tật và tỉ lệ sống sót khi đến tuổi trưởng thành là cực thấp. Bởi vậy, để duy trì sự sống cho những đứa trẻ sơ sinh, họ đã nhờ đến sự trợ giúp của một người phụ nữ được gọi là Asibikaashi (người phụ nữ nhện).

Asibikaashi ân cần chăm sóc trẻ em và mọi người trong bộ lạc, bảo trợ cho những đứa trẻ khỏe mạnh lớn lên. Theo tập quán sinh hoạt, tộc Ojibwe dần di cư và sống ở nhiều nơi khác nhau. Điều đó khiến cho Asibikaashi cảm thấy khó khăn khi không thể chăm nom, bảo vệ cho tất cả các trẻ em của bộ lạc.

Chính vì thế mà cô đã hướng dẫn các bà, các mẹ dệt những tấm lưới như một loại bùa may mắn cho con cháu mình. Họ dùng nhánh của cây liễu tạo thành một vòng tròn, sau đó lấy dây leo làm từ thực vật để đan chúng. Lưới giấc mơ sẽ gạn lọc tất cả các giấc mơ xấu và chỉ cho phép các giấc mộng đẹp đi vào tâm trí trẻ thơ.

Mỗi khi bình minh tới, tất cả các giấc mơ xấu sẽ tan biến theo từng ánh Mặt Trời chiếu rọi, khiến cho đứa trẻ luôn có những giấc mơ đẹp và không bị làm phiền bởi những điều xấu xa. Bởi vậy nên Dreamcatcher thường được treo ở đầu giường, cửa sổ hoặc những nơi đón ánh ban mai sớm nhất trong nhà.

Kể từ đó, mỗi người trong bộ tộc điều có một chiếc dreamcatcher để săn những giấc mơ đẹp đồng thời xua đuổi những con ác mộng đi xa. Thời gian trôi qua, truyền thuyết về bùa ngủ ngon được lưu truyền đến tận hôm nay. Nhiều quốc gia cũng sử dụng dreamcatcher như một vật biểu trưng của sự yên bình, mang đến những điều tốt đẹp.

Về sau, những chiếc vòng bắt giấc mơ được cải tiến cả về chất liệu lẫn hình dáng. Không chỉ làm bằng thân cây liễu, khung của những chiếc bùa bắt giấc mơ này dần được thay bằng gỗ, tre nứa hoặc kim loại. Những vòng đan bên trong được thay thế bằng len sợi, chỉ màu, sợi thôi…. Đồng thời, cũng có rất nhiều kiểu đan dreamcatcher được sáng tạo thay vì kiểu đan đơn giản trước đây. Hãy cùng tham khảo một vài mẫu dreamcatcher đặc sắc tại đây để thấy sức sáng tạo của con người chúng ta là vô hạn nhé!

Tuy nhiên, nếu để ý kỹ bạn sẽ thấy, có hai loại dreamcatcher khác nhau. Một loại nhỏ với tâm tròn ở giữa được đan kín, và một loại to hơn, cầu kỳ hơn có lỗ hổng ở trung tâm. Vậy hai loại này khác nhau như thế nào? Tại sao lại có sự khác biệt đó?

Thông thường, người Ojibwe có quy định khá chặt chẽ về số “mắt” trên Dreamcatcher. Nếu chỉ là chiếc vòng bình thường để xua đuổi những giấc mơ xấu thì sẽ có 7 “mắt”, tức 7 chân chỉ ở trên vòng và tâm vòng được đan kín. Không phải ngẫu nhiên mà con số 7 lại xuất hiện ở đây, bởi vì số 7 chính là một đại diện cho tâm linh cực kỳ phổ biến trên khắp thế giới.

Mặc dù theo quan điểm của người Việt Nam ta, số 7 theo cách gọi Hán Việt là thất, tương tự thất bát, thất thu, gợi chỉ sự không may mắn. Nhưng trong văn hóa của người Ojibwe, số 7 là con số đại diện thần linh, là 7 vị thần bảo hộ cho linh hồn của con người ( tương đương với khái niệm “ba hồn bảy vía” của người phương Đông ). Bởi vậy, nếu vòng tròn dreamcatcher có 7 mắt tức là nó đã được bảo trợ bởi các vị thần, sẽ mang lại may mắn và những giấc mơ đẹp cho chủ sở hữu.

Còn nếu vòng tròn có tám “mắt” và lỗ hổng ở tâm thì bùa giữ giấc mơ lại có ý nghĩa hoàn toàn khác. Số tám ở đây đại diện cho tám chân nhện của Asibikaashi, cũng đồng thời là con số “trấn yểm” trong phong thủy phương Đông. Lỗ hổng ở trung tâm đại diện cho Mặt trời, khi kết nối với tám mắt ở trên vòng tròn Dreamcatcher, nó sẽ mang ý nghĩa thâu tóm, thu phục.
Nhưng là thâu tóm cái gì?

Trong những tài liệu cổ xưa hơn của người Ojibwe có đề cập tới một con quỷ tên là Winanimiziwin, nghĩa là “nỗi khiếp sợ”. Nó chính là nguyên nhân gây nên những cơn ác mộng triền miên cho trẻ con và cả người lớn. Con quỷ ấy đi ăn giấc mơ của trẻ em và đôi khi ăn cả người. Bởi vậy, nó rất nguy hiểm và hùng mạnh, muốn loại bỏ nó chỉ có một cách: Sử dụng những chiếc vòng bắt giấc mơ có tám mắt và lỗ tròn ở giữa.

Những chiếc lông chim gắn trên vòng sẽ dẫn dắt lũ quỷ, làm chúng rời khỏi giấc ngủ của con người. Đôi khi cẩn thận hơn, người ta gắn thêm mũi tên để làm suy yếu sức mạnh của lũ quỷ, khiến chúng dễ dàng bị thu phục. Chiếc vòng đã được yểm bùa trở thành 1 lỗ xoáy và sẽ hút hết mọi thứ bao gồm cả những giấc mơ xấu, những giấc mơ đẹp và cả những con quỷ ăn giấc mơ. Điều này lý giải vì sao treo loại vòng này ở đầu giường thì không có những giấc mơ đẹp như loại vòng còn lại.

Tuy nhiên, bị hút vào không có nghĩa là biến mất hoàn toàn. Những chiếc vòng Dreamcatcher chỉ có thể giữ những Winanimiziwin tạm thời ở những thế giới khác với cánh cửa là những vòng tròn ở tâm vòng mà thôi.

người Ojibwe làm ra những chiếc vòng có lỗ tròn chính giữa, họ đã đảm bảo để chúng chỉ hút vào mà không để những thứ bên trong thoát ra được. Tuy nhiên khi xã hội loài người phát triển, bộ lạc Ojibwe ngày càng thu hẹp lại và số lượng thầy phù thủy càng ít đi. Lo sợ một ngày nào đó bùa không còn đủ mạnh và bọn quỷ ở không gian khác có thể trở về thế giới này, họ đã tiêu hủy tất cả những chiếc vòng phép có lỗ tròn chính giữa.

Vào năm 2011, người ta tìm thấy một văn tự của bộ lạc da đỏ này, trong đó có vài dòng đã được dịch ra như sau: “Chừng nào những vòng xoáy còn niêm kín, chúng [Winanimiziwins] không thể quay về thế giới này. Nhưng nếu những chiếc vòng [bắt giấc mơ] tập hợp lại, chúng sẽ biết [rằng bùa yểm đã yếu đi] và chúng có thể phá vỡ vòng xoáy để quay lại chén sạch những giấc mơ và cả tính mạng chúng ta”.

Vì vậy, hãy lựa chọn kỹ càng giữa các loại vòng bắt giấc mơ trước khi làm hoặc mua nhé! Có thờ có thiêng, có kiêng có lành mà!

Truyền thuyết của bộ lạc Lakota

Bộ tộc Lakota tôn thờ một vị Thần được gọi là Iktomi. Đây là vị thần tối cao của trí tuệ. Người Lakota tin rằng đôi khi Thần xuất hiện dưới hình dạng con người là một người đàn ông cao lớn với khuôn mặt được vẽ màu đỏ và vàng. Tuy nhiên, hầu hết thời gian ông xuất hiện như một con nhện. Thần Iktomi biết nhiều câu chuyện và thi thoảng ông sẽ chia sẻ chúng với người phàm. Chính vị thần này đã dạy cho người Lakota huyền thoại về lưới bắt giữ giấc mơ.

Từ lâu lắm rồi, khi thế giới mới thành hình, một trong những tộc trưởng đầu tiên của Lakota đã leo lên một ngọn núi cao. Khi đó Thần Iktomi xuất hiện với hình dáng của một con nhện, bắt đầu nói bằng một ngôn ngữ thiêng liêng mà chỉ vị tộc trưởng này mới có thể hiểu.

Trong khi nói, Thần Iktomi lấy một nhánh từ cây liễu già nhất trong khu vực và biến nó thành một chiếc vòng. Sau đó, ông tìm một số chiếc lông ngựa và lông chim cùng các loại hạt và các đồ vật nhỏ đẹp khác. Khi đã có tất cả những thứ này trong tay, ông bắt đầu dệt.

Thần Iktomi đã nói với ông lão rằng cuộc sống là một vòng tuần hoàn, nó có một khởi đầu và kết thúc. Cuộc sống của vạn vật không đi theo một đường thẳng, và con người cũng vậy. Chúng ta bắt đầu cuộc sống là một sinh linh rất mong manh và phụ thuộc. Từng chút một, chúng ta học hỏi, rèn luyện để trở nên mạnh mẽ hơn.

Khi có thể tự đi bằng đôi chân của mình, chúng ta đi lại, chạy nhảy và trở thành những người trưởng thành. Điều này làm cho chúng ta có nhiều khả năng và tự do hơn, có thể làm nhiều điều vĩ đại bằng niềm tin của mình.

Tuy nhiên, sau khi già đi, chúng ta một lần nữa trở thành những sinh linh mỏng manh cần người khác chăm sóc. Chu kỳ cuối cùng khép lại và cái chết đến. Chu kỳ ấy lặp đi lặp lại nhiều lần với mỗi con người.

Iktomi tiếp tục dệt chiếc vòng liễu trong khi ông lão lắng nghe Iktomi một cách say mê về mặc khải phi thường này. Ông lão hiểu rằng mỗi kết thúc cũng là một khởi đầu. Đây là ý nghĩa cuối cùng của dreamcatcher.

“Nhưng trong mỗi lần sống có rất nhiều năng lượng tồn tại bên cạnh con – một số tốt và một số xấu. Nếu con lắng nghe những năng lượng tốt con sẽ đi đúng hướng. Ngược lại, nếu lắng nghe những năng lượng xấu, nó sẽ làm tổn thương con và điều khiển con đi sai hướng.”

Iktomi vẫn tiếp tục dệt lưới của mình, bắt đầu từ bên ngoài và hướng vào phía trung tâm. Khi Iktomi nói xong, ông đưa cho ông lão tấm lưới và nói: “Con nhìn xem, tấm lưới là một vòng tròn hoàn hảo, nhưng có một lỗ hổng ở giữa vòng tròn. Nếu con tin vào Thần vĩ đại, chiếc lưới sẽ nắm bắt những ý tưởng tốt của con còn những ý tưởng xấu sẽ chui qua lỗ hổng. vì vậy hãy sử dụng tấm lưới để giúp bản thân và những người khác tận dụng ý tưởng, ước mơ và tầm nhìn của mọi người.”

Về sau, vị tộc trưởng đã chia sẻ khải thị về dreamcatcher với những người khác trong tộc. Kể từ đó, người Lakota đã sử dụng nghề dệt của Iktomi làm nền tảng cho tương lai của bộ lạc. Đồng thời, cũng chính vì mặc khải của thần Iktomi này mà người Lakota tin rằng dreamcatcher nắm giữ vận mệnh tương lai của họ, chứ không chỉ đơn thuần mang lại những giấc mơ đẹp và loại bỏ giấc mơ xấu.

Ý nghĩa của Dreamcatcher

Ý nghĩ phổ biến nhất của những chiếc vòng bắt giấc mơ chính là mang lại may mắn và xua đuổi những gì không tốt đẹp cho người sở hữu chúng. Tuy nhiên, ngày nay, nhiều người còn coi những chiếc vòng này như một vật trang trí phong thủy vì thiết kế tinh tế và sáng tạo của nó.

Bạn có thể dễ dàng tìm thấy hoặc tự làm những chiếc Dreamcatcher độc đáo hình bát quái, bán nguyệt, hoặc là hình thú tùy sở thích. Chính vì thế mà vòng bắt giấc mơ cũng dần trở thành một món quà vô cùng ý nghĩa đối với nhiều người.

Ngoài ra, những chiếc Dreamcatcher có màu sắc khác nhau cũng mang ý nghĩ khác nhau lắm đấy nhé! Ví dụ như những chiếc vòng màu hồng tượng trưng cho sự hạnh phúc, còn màu xanh da trời sẽ tượng trưng cho sự hy vọng. Màu vàng biểu thị sự cá tính còn màu tím đại diện cho sự thủy chung.

Nếu màu trắng mang ý nghĩa trong trắng thì màu đen lại mang lại cảm giác bí ẩn. Màu nâu biểu trưng cho sự giản dị còn màu xanh lá cây lại mang ý nghĩa chờ đợi. Bởi vậy, hãy lựa chọn màu sắc phù hợp cho chiếc vòng của bạn thêm ý nghĩa nhé!

Nếu bạn không thích những chiếc Dreamcatcher lớn thì vẫn có thể chọn những hình ảnh mô phỏng của chiếc vòng này trên trang sức như dây chuyền, nhẫn, vòng tay bông tai hoặc lắc chân. Với thiết kế nhỏ gọn, sang trọng nhưng vẫn giữ được nguyên bản hình dáng ban đầu của những chiếc Dreamcatcher thì đây chính là một gợi ý không tồi nếu bạn đang tìm kiếm một món quà hoàn hảo. Nếu còn chưa tin, hãy dành chút thời gian để “nghía” qua những bộ trang sức tuyệt đẹp lấy cảm hứng từ Dreamcatcher tại đây để xem chúng mình nói có đúng không nhé!

Theo một niềm tin tâm linh cổ xưa, Dreamcatcher chính là một tấm bùa hộ mệnh, một lá bùa mang lại may mắn cho những ai sở hữu. Vì vậy, nếu cảm thấy bản thân đang bị những năng lượng tiêu cực bao quanh, thì hãy thử tìm đến những chiếc vòng dreamcatcher một lần xem sao nhé! Biết đâu, những chiếc vòng này thực sự có thể “thanh tẩy” những điều không tốt đẹp như người Ojibwe vẫn luôn tin tưởng, đúng không nào! Hãy thử ngắm nhìn những sản phẩm siêu đẹp và tinh tế mang hình ảnh Dreamcatcher tại đây cùng chúng mình nha!

Bạn thấy bài viết này hữu ích không ?
Hãy bấm vào ngôi sao để đánh giá nó!
Click to rate this post!
[Total: 3 Average: 3.3]

Thông Tin Lê Minh Dương

Mình tên là Dương, 25 tuổi có xe đạp riêng. Ngoài việc không có chỗ đứng trong xã hội ra thì chỗ nào mình đứng cũng được. Rất mong các bạn đừng kì thị mình!

Ghé Thăm WebSite Của Tôi
Xem Tất Cả Post

Viết một bình luận