Các loại bạc trong ngành trang sức

Bởi

Chúng ta biết có nhiều loại bạc trong ngành trang sức, bạn thường nghe nhắc đến cái tên bạc 925, bạc Thái, bạc ta, bạc Ý rồi bạc xi,… Vậy chúng là bạc gì? Vai trò trong ngành trang sức thế nào?

Trước tiên ta nên biết về nguồn gốc ra đời, thì các loại bạc đó đều được sinh ra từ một kim loại duy nhất là bạc. Bạc là kim loại quý, từ rất lâu đã được con người sử dụng làm trang sức, đồ thủ công mỹ nghệ do vẻ đẹp mang tính thẩm mỹ cao của nó. Hiện nay cùng với kỹ thuật luyện kim tiến bộ, bạc được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực kim hoàn, chủ yếu là đồ trang sức với sự phát triển đa dạng về chất liệu. Với bài viết này, Felo.vn sẽ giúp bạn tìm hiểu từng loại bạc cụ thể, hãy theo dõi các phần bên dưới nhé.

Bạc 925

Tên gọi:

Bạc 925 có tên gọi nguyên bản là bạc sterling. Cần lưu ý rằng hiện nay có khá nhiều thông tin đánh đồng bạc 925 và bạc Ý là một, điều này không hề đúng. Bạc 925 có nguồn gốc tại vùng đất ngày nay là miền bắc nước Đức, xuất hiện từ khoảng thế kỷ 12, được cải tiến từ bạc nguyên chất nhưng dưới dạng hợp kim với tỉ lệ 92.5% khối lượng là bạc và 7.5% là các kim loại khác, thường là đồng. Bạc Ý ra đời muộn hơn nhiều (vào năm 1851 tại Ý) và có nền tảng công thức hợp kim từ bạc 925.

Bạc 925 có độ sáng, bõng, bề mặt nhẵn cao hơn rõ rệt so với bạc nguyên chất…  Ảnh: Amazon.com

Tính chất vật lí:

Bạc 925 được sinh ra nhằm khắc phục những điểm yếu của bạc nguyên chất, nên chúng có màu trắng sáng, độ cứng và độ nhẵn, bóng cao hơn hẳn bạc nguyên chất.

Ưu điểm và nhược điểm:

Ưu điểm: bạc 925 có độ cứng ưu việt hơn bạc nguyên chất, giúp cho người thợ kim hoàn dễ chế tác, gia công những món đồ đòi hỏi tính chi tiết và tỉ mỉ.

Nhược điểm: bạc 925 là hợp kim bạc và kim loại khác, nên chúng không có tuổi thọ cao như bạc nguyên chất. Thêm nữa, chúng dễ bị oxy hóa trong không khí, nên độ bền về màu sắc không cao, thường xuyên phải làm sáng để lấy lại vẻ đẹp ban đầu.

Bạc Thái

Tên gọi:

Bạc Thái là loại bạc độc quyền của người Thái Lan, do họ sáng tạo ra dựa trên tỉ lệ chuẩn của dòng bạc 925. Bởi vậy bạc Thái cũng có tỉ lệ thành phần 92.5% khối lượng là bạc, còn 7.5% là kim loại khác giúp tạo độ cứng và độ bóng.

Đặc trưng của bạc Thái đó là gam màu đen cực kỳ ấn tượng, khác biệt hẳn với các dòng bạc khác…

Tính chất vật lí:

Nếu bạc 925 và bạc Ý mang sắc trắng thì bạc Thái lại sở hữu gam màu đen cực kỳ ấn tượng. Đây chính là vẻ ngoài đặc trưng của bạc Thái giúp chúng ta có thể phân biệt một cách dễ dàng với các dòng bạc khác. Tất cả các món đồ làm từ bạc Thái đều trải qua công đoạn sau cùng đó là hun tạo màu. Bạc Thái cũng giống bạc 925 và bạc Ý ở độ cứng và độ nhẵn bóng. Tuy nhiên muốn so sánh dễ nhất, thì ba yếu tố này vượt trội hơn bạc ta.

Ưu điểm và nhược điểm:

Ưu điểm: bạc Thái ngoài những ưu điểm như bạc 925, thì chúng mang vẻ đẹp độc, lạ, phù hợp với những người thích phong cách ngầu, cá tính (đặc biệt nam giới).

Nhược điểm: bạc Thái sẽ kén người dùng hơn các loại bạc khác, đặc biệt khi chúng làm đồ trang sức thì đòi hỏi người đeo phải biết cách kết hợp với trang phục và phụ kiện đi kèm cho đồng nhất.

Bạc ta

Tên gọi:

Bạc ta hay còn gọi là bạc nguyên chất, bạc nõn, bạc mịn, trong đó bạc chiếm tỉ lệ 99%, còn lại rất nhỏ là tạp chất không đáng kể. Bạc ta thuộc dòng bạc xuất hiện đầu tiên trong lịch sử của lĩnh vực kim hoàn nói chung và ngành trang sức nói riêng.

Bạc nguyên chất có độ nhẵn thấp nhất trong các dòng bạc làm trang sức…

Tính chất vật lí:

Bạc ta có màu trắng đục đặc trưng, độ nhẵn bề mặt không được đánh giá cao so với các loại bạc khác. Do quá mềm nên khi chế tác đòi hỏi nhiều công sức để có thể đạt được độ bóng theo yêu cầu. Sản phẩm bạc ta có độ bóng và nhẵn cao thì công chế tác lại càng cao, giá thành càng đắt.

Ưu điểm và nhược điểm:

Ưu điểm: bạc ta rất bền màu do khó bị oxy hóa khi tiếp xúc với không khí. Ngoài ra khi đeo các món trang sức được chế tác từ bạc nguyên chất có thể phản ánh được tình trạng sức khỏe của người dùng, giúp họ nhận biết và sớm tìm ra giải pháp ứng phó.

Nhược điểm: bạc ta khá mềm nên gây khó khăn trong công đoạn tạo dáng cho đồ vật hoặc trang sức, đặc biệt những món có hình dáng nhỏ, nhiều chi tiết yêu cầu tính tỉ mỉ. Hầu như những món trang sức cầu kỳ không phù hợp với dòng bạc này. Thêm nữa, giá thành của bạc nguyên chất là đắt nhất trong số các loại bạc nên hạn chế đối tượng khách hàng sử dụng nó.

Bạc Ý

Tên gọi:

Bạc Ý là loại bạc xuất xứ từ Ý, do những người thợ kim hoàn tài hoa tại quốc gia này phát triển từ bạc 925 với tỉ lệ 92.5% khối lượng là bạc, và 7.5% còn lại là kim loại khác. Cho tới nay, con số 7.5% đó mang công thức thế nào, những kim loại được đưa vào vẫn còn là bí mật, nó như đóng dấu bản quyền cho thương hiệu của người Ý về dòng bạc này. Bạc Ý chính thức được công bố thương hiệu từ 1851, sau đó đã phát triển rộng rãi ra toàn thế giới, và chinh phục được đại đa số người dùng bởi vẻ ngoài sang trọng, bắt mắt và vô cùng cuốn hút.

Bạc Ý có độ sáng bóng gần như đứng đầu trong các dòng bạc hiện nay…  Ảnh: boothandbooth.co.uk

Tính chất vật lí:

Bạc Ý được phát triển từ dòng bạc 925, nhưng có ưu điểm gần như vượt trội nhất về độ cứng, độ sáng và nhẵn bóng so với các dòng bạc khác cùng tỉ lệ 92.5% bạc nguyên chất.

Ưu điểm và nhược điểm:

Ưu điểm: bạc Ý rất cứng, dễ chế tác và gia công, giúp những người thợ kim hoàn có thể tạo ra những món đồ cực kỳ chi tiết, tỉ mỉ và hình dáng cầu kỳ mà bạc ta không có. Bạc Ý cũng được đánh giá rất cao về tính thẩm mỹ mà nó mang lại cho các món trang sức cũng như đồ dùng kim hoàn nói chung. Với màu sắc trắng sáng và độ nhẵn bóng không tì vết, bạc Ý không hổ danh là “đứa con” của kinh đô trang sức thế giới. Ngoài ra, bạc Ý (đối với đồ trang sức đeo, mang) cũng có tác dụng giúp người dùng phát hiện được tình trạng sức khỏe của họ như khi sử dụng bạc ta vậy.

Nhược điểm: bạc Ý cũng như các loại bạc cùng tỉ lệ 92.5% bạc nguyên chất đều có điểm yếu là dễ bị oxy hóa, nên sau một thời gian sử dụng chúng sẻ bị xỉn màu. Việc thường xuyên làm sáng để lấy lại vẻ đẹp cho món đồ chế tác từ bạc Ý là chuyện đương nhiên.

Bạc Xi

Tên gọi:

Bạc xi cũng giống bạc Thái, bạc Ý và bạc 925, với tỉ lệ 92.5% khối lượng là bạc, 7.5% còn lại là các kim loại khác. Bề mặt ngoài của bạc xi được bao phủ bởi một lớp xi mạ mỏng, chính điểm đặc trưng này đã hình thành tên gọi cho nó để phân biệt với những dòng bạc phổ biến khác. Một số loại xi mạ được ưa chuộng hiện nay là xi bạch kim, xi vàng trắng, xi vàng và xi vàng hồng. Mỗi một loại xi mạ sẽ mang một màu sắc riêng giúp cho món đồ sở hữu nét đẹp riêng biệt.

Bạc xi được ưa chuộng nhờ tính đa dạng màu sắc tùy sở thích của mỗi người, đặc biệt là giới trẻ…  Ảnh: Berricle.com

Tính chất vật lí:

Bạc xi có màu sắc tùy thuộc vào loại xi được mạ, như vàng, bạch kim. Do đã được pha trộn hợp kim theo tỉ lệ chuẩn của dòng bạc 925, nên bạc xin có độ cứng, nhẵn và bóng hơn hẳn so với bạc ta, và tương đương các dòng bạc khác có cùng tỉ lệ bạc nguyên chất.

Ưu điểm và nhược điểm:

Ưu điểm: bạc xi có giá thành rẻ hơn so với bạc ta. Mẫu mã của sản phẩm làm từ bạc xi cũng đa dạng hơn do chúng dễ chế tác, gia công tạo kiểu dáng.

Nhược điểm: những món đồ làm từ bạc xi rất kỵ với hóa chất, kể cả những thứ chúng ta tiếp xúc hằng ngày như dầu gội, bột giặt, nước tẩy rửa vệ sinh,…khiến cho việc bảo quản và sử dụng gặp nhiều bất tiện. Hơn nữa, lớp xi mạ bên ngoài cũng dễ trầy xước, bong tróc; qua một thời gian sử dụng, không tránh khỏi lớp xi bị hỏng, sẽ làm món đồ mất đi tính thẩm mỹ. Và thực tế là chúng ta không thể khôi phục lại lớp xi đó, trừ khi mang nó đến cho thợ kim hoàn để cầu cứu – đương nhiên họ sẽ lấy tiền công.

Bạc 975

Tên gọi:

Bạc 975 có tên gọi như thế đơn giản vì chúng là hợp kim của 97.5% là bạc và 2.5% là kim loại khác. Tương tự tên gọi bạc 925, bạc 975 để nói lên tỉ lệ bạc có trong hợp kim nhằm phân biệt với các dòng bạc khác mà thôi.

Bạc 975 có độ nhẵn tốt hơn bạc nguyên chất

Tính chất vật lí:

Bạc nguyên chất có tính mềm, dẻo, khó chế tác đồ trang sức nhỏ. Bạc 975 cũng đã khắc phục phần nào điểm yếu này, tuy nhiên so về độ cứng, độ nhẵn và bóng thì kém hơn các dòng bạc 925. Bù lại, trong thành phần chứa tỉ lệ bạc cao hơn, nên độ bền màu và tuổi thọ của bạc 975 chỉ đứng sau bạc nguyên chất.

Ưu điểm và nhược điểm:

Ưu điểm: bạc 975 có thể chế tác được đa dạng kiểu dáng, mẫu mã trang sức hơn bạc nguyên chất. Độ bền và tuổi thọ khá cao.

Nhược điểm: vì bạc 975 vẫn chứa lượng nhỏ tỉ lệ kim loại khác nên phải bảo quản chúng cẩn thận, tránh để tiếp xúc với hóa chất (kể cả những loại thông thường như nước hoa). Ngoài ra bạc 975 có giá thành cao hơn các dòng bạc 925, trong khi độ tinh xảo, sáng bóng thì không bằng.

Bạc Argentium

Tên gọi:

Bạc Argentium là kết quả nghiên cứu của Peter Johns về tác dụng của việc bổ sung Germanium vào hợp kim bạc sterling để thay thế đồng. Dự án của ông bắt đầu vào năm 1990 tại viện Nghiên cứu Nghệ thuật và Thiết kế của trường đại học Middlesex. Thành tựu này sau đó đã được cấp bằng sáng chế và công nhận thương hiệu bởi công ty Argentium Silver thuộc vương quốc Anh, vì vậy người ta biết đến nó với tên gọi là bạc Argentium.

Bạc Argentium có độ bền rất cao, tốt cho đồ trang sức…

Đặc tính:

Bạc Argentium chứa 93.5% hoặc 96% khối lượng là bạc tinh khiết. Trong thành phần hợp kim của bạc Argentium, kim loại đồng của dòng bạc sterling truyền thống (92.5% bạc + 7.5% đồng) đã được thay thế bằng Germanium để đạt tới những đặc tính ưu việt như:

  • Chống bám với lớp oxit.
  • Khả năng chống xỉn màu cao.
  • Tăng độ dẻo dai.
  • Tăng sức chịu nhiệt.

Ưu điểm và nhược điểm:

Ưu điểm: bền, khó bị xỉn màu, dễ bảo quản, không gây dị ứng cho người sử dụng.

Nhược điểm: giá thành của dòng bạc này khá đắt.

Bạc Tibetan

Tên gọi:

Là dòng bạc mang đậm nét văn hóa bản địa của người Tây Tạng (Tibetan) hay các bộ tộc miền núi nói chung, nên chúng gắn liền với tên gọi của tộc người chế tác.

Trang sức bạc Tibetan nổi bật với hoa văn họa tiết đậm nét văn hóa Tây Tạng…

Đặc tính:

Đồ trang sức hoặc đồ mỹ nghệ mang thương hiệu của bạc Tibetan luôn có thiết kế độc đáo, khác lạ, đậm nét văn hóa bản địa của người Tây Tạng. Tuy nhiên, chúng không có một công thức chung về tỉ lệ kim loại trong hợp kim, và không ít số đó có thể không chứa bạc, mà thay vào là niken, làm cho hợp kim có vẻ ngoài trông giống bạc thôi.

Khi lựa chọn một món đồ làm từ loại bạc này, bạn cần chú ý kiểm tra thật kỹ thành phần kim loại trong đó. Bởi chúng xuất xứ từ nơi không được kiểm soát chặt chẽ về độ an toàn, sẽ có những kim loại gây hại cho người sử dụng như chì, và bạn sẽ gặp vấn đề sức khỏe vì nó mà không hề biết được lý do.

Ưu điểm và nhược điểm:

Ưu điểm: kiểu dáng và mẫu mã đẹp, lạ mắt; giá thành khá thấp.

Nhược điểm: có thể chứa kim loại gây dị ứng, thậm chí là nguy hiểm tới sức khỏe người dùng, có thể không chứa hoặc chứa rất ít bạc, độ bền thấp.

Bạc Britannia

Tên gọi:

Bạc Britannia là hợp kim của bạc chứa 95.833% khối lượng bạc tinh khiết, còn lại thường là đồng. Tiêu chuẩn này được công bố tại vương quốc Anh vào năm 1697 để thay thế cho bạc sterling (92.5% bạc). Và sau đó, huy hiệu chú sư tử đại diện cho dòng bạc 925 sterling ở đây đã được thay thế bằng hình ảnh của Britannia – nữ thần đảo quốc Anh. Bởi vậy từ đây chúng được biết đến với cái tên phổ biến đó.

Bạc Britannia với hình tượng thần nữ đảo quốc Anh đặc trưng…   Ảnh: MrMnmn911

Đặc tính:

Bạc Britannia khá mềm so với bạc 925 sterling, chúng ban đầu được nghiên cứu để giảm thiểu những hạn chế của đồng bảng Anh, nhưng về sau bạc 925 sterling lại được tái sử dụng với vị thế cũ vốn có, và bạc Britannia chỉ còn sử dụng cho các biểu tượng tiêu chuẩn của Anh và Ireland.

Ưu điểm và nhược điểm:

Ưu điểm: vẻ ngoài bắt mắt.

Nhược điểm: khá mềm, giá thành đắt do hiện nay số lượng ít, khó tìm.

Bạc Ni-ken

Tên gọi:

Bạc Ni-ken (Nickel silver) còn gọi là bạc mới, bạc Đức. Cái tên bạc Đức như một cách để ghi nhớ thành quả lao động của những anh thợ kim hoàn người Đức đã tạo ra nó vào thế kỷ 19 từ một thứ hợp kim Trung Quốc (tên là đồng trắng).

Bạc Ni-ken có vẻ ngoài rất giống bạc, còn bản chất của nó lại không hề chứa kim loại bạc…    Ảnh: community.ebay.com

Đặc tính:

Bạc Ni-ken là hợp kim giữa ba kim loại, trong đó gồm có đồng (60%), ni-ken (20%) và kim loại thứ ba thường là kẽm (20%). Bạc Ni-ken được đặt tên do vẻ ngoài của nó rất giống bạc, nhưng bản chất lại không hề chứa bạc trong đó.

Hiện nay các sản phẩm làm từ dòng bạc Ni-ken đều chứa một lượng đáng kể kim loại kẽm, và đôi khi chúng được xếp vào một dạng của đồng thau.

Ứng dụng:

Người ta thường dùng bạc Ni-ken trong chế tạo công cụ có lưỡi sắc được mạ bạc (như dao, kéo), đồ trang sức hay các loại nhạc cụ như sáo, kèn, saxophone và Frechs horn (loại kèn đặc biệt của người Pháp).

Bạc xu

Tên gọi:

Bạc xu với tên gọi nguyên bản tiếng Anh là “coin silver”, dễ gây hiểu lầm với nhiều người nếu cho rằng nó đơn thuần là một loại đồng xu làm bằng bạc, và có vai trò tương đương với những đồng tiền khác được giao dịch hằng ngày trên thế giới. Thực chất phải hiểu nó là loại bạc có tên gắn liền với những đồng xu, vì nguồn gốc ra đời do được tái chế từ những đồng tiền cũ có chứa bạc thật.

Những đồng xu chứa bạc được tái chế để lấy bạc làm nguyên liệu chế tác các đồ vật khác… Ảnh: Halfcrowns

Đặc tính:

Bạc xu là hợp kim chứa 90% bạc nguyên chất, còn lại 10% của đồng. Bạc xu nhìn chung tương đối giống với bạc sterling, chỉ khác ở lượng bạc nguyên chất có tỉ lệ thấp hơn. Nếu bạc sterling mang ký hiệu là “925” hoặc “.925”, thì bạc xu được mã hóa bởi “900” hoặc “.900”.

Trước đây bạc xu được sử dụng khá phổ biến, nhất là ở Mỹ. Nhưng về sau chúng đã được thay thế dần bởi bạc sterling. Bởi vậy hiện nay, bạc xu đã trở nên hiếm gặp và muốn tìm kiếm một món đồ chế tác bằng loại bạc này sẽ khá là khó khăn.

Ưu điểm và nhược điểm:

Ưu điểm: giá cả phải chăng, thành phần bạc tinh khiết cao.

Nhược điểm: hiếm nên khó tìm trên thị trường, dễ bị xỉn màu.

Ngoài ra còn một số loại bạc khác như bạc Tribal (của các bộ lạc thiểu số), bạc Mexican (xuất xứ từ Mê-xi-cô), bạc Bali (xuất xứ tại In-đô-nê-xi-a) hay bạc Nga (xuất xứ tại nước Nga)… nhưng độ phổ biến khá thấp. Vậy là Felo.vn đã giới thiệu hầu hết các loại bạc được dùng trong ngành trang sức rồi đó. Hy vọng qua bài viết này sẽ giúp bạn nắm rõ hơn những thông tin cơ bản về các loại bạc trong ngành trang sức, phần nào hỗ trợ trong việc lựa chọn món đồ với chất liệu mà bạn ưng ý nhất.

Bạn thấy bài viết này hữu ích không ?
Hãy bấm vào ngôi sao để đánh giá nó!
Click to rate this post!
[Total: 1 Average: 5]

Thông Tin Lê Minh Dương

Mình tên là Dương, 25 tuổi có xe đạp riêng. Ngoài việc không có chỗ đứng trong xã hội ra thì chỗ nào mình đứng cũng được. Rất mong các bạn đừng kì thị mình!

Ghé Thăm WebSite Của Tôi
Xem Tất Cả Post

Viết một bình luận